Tìm hiểu cơ bản về công đoạn Hoàn tất trong dệt may
Sau các quá trình tạo vải từ sợi, tiếp đến chính là quá trình nhuộm màu và hoàn tất vải. Bên cạnh việc dành nhiều sự quan tâm về độ bền, người sử dụng cũng lưu ý đến tính thẩm mỹ cũng như cảm nhận về bề mặt vải của sản phẩm dệt may nên các yêu cầu về kỹ thuật tạo màu và hoàn tất ngày càng được chú trọng và phát triển.
Dưới góc độ kỹ thuật, hoàn tất vải hướng tới ba loại tác động:
- Tạo ra những tính năng mới mà vật liệu vốn không có.
- Tăng cường những thuộc tính vốn có mà chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng.
- Phục hồi những tính năng vốn có nhưng bị mất đi trong quá trình dệt/nhuộm vải
Xét về mặt ứng dụng, hoàn tất có ba mục đích sau:
- Cải thiện bề mặt vải (mượt, bóng, mịn,…)
- Cải thiện các đặc tính liên quan đến may mặc (mềm mại, hút ẩm, cách nhiệt, thoáng khí, ổn định kích thước,…)
- Cải thiện các tính chất liên quan đến quá trình sử dụng bảo quản (không nhàu, không cần ủi, dễ giặt, không bắt bụi, không bắt lửa,…).
Có thể kể ra một số kiểu hoàn tất vải như: ổn định kích thước (đảm bảo vải không bị co rút), tạo cho vải có bề mặt đẹp như láng mịn, hay cảm giác mát tay. Khi cần thiết còn có thể làm cho vải không nhăn, không co hoặc có những tính chất đặc biệt như không thấm nước, không mốc, kháng khuẩn … Quá trình hoàn tất được chia làm hai loại: hoàn tất cơ học (hoàn tất khô) và hoàn tất hoá học (hoàn tất ướt). Trong áp dụng thực tế, có nhiều lúc sẽ không thể phân định được rõ ràng quá trình hoàn tất này là hoàn tất khô hay hoàn tất ướt.
Tại nhà máy Dệt Bảo Minh, giai đoạn hoàn tất sẽ chịu trách nhiệm chất lượng cuối cùng của vải. Chúng tôi ưu tiên quan tâm đến các vấn đề như: những kỹ thuật về mặt hoá học, tức là phản ứng hoá học xảy ra với vải, xử lý an toàn khối lượng lớn hóa chất độc hại, an toàn lao động và các vấn đề liên quan đến môi trường không khí và nước thải. Bên cạnh đó, Dệt Bảo Minh cũng đặc biệt quan tâm đến đầu tư hệ thống trang thiết hiện bị hiện đại để đảm bảo kiểm soát được chất lượng của sản phẩm đầu ra.
Một số kiểu hoàn tất vải thông dụng:
Đốt lông hay còn gọi là Singeing là công đoạn đốt cháy các đầu xơ ngắn/vụn trên bề mặt của vải để làm mặt vải phẳng mịn.. Vải được đi qua các bàn chải để vuốt dựng các đầu sợi, sau đó đốt đầu xơ bằng cách cho vải đi qua trên đầu những ngọn lửa gas bằng cách điều chỉnh tốc độ máy và điều kiện tiếp xúc phù hợp.
Tùy thuộc vào loại hồ đã được sử dụng trên sợi dọc để tăng cường lực sợi trước quá trình dệt, vải có thể được ngâm trong axit loãng để hồ có thể bị thủy phân sau đó giặt sạch, hoặc sử dụng enzyme phá vỡ các màng hồ này và giặt bỏ.
Nấu là một công đoạn trong quá trình tiền xử lý được thực hiện trên vải bông để loại bỏ sáp và tạp chất không xơ cellulose. Vải được đun sôi trong dung dịch kiềm, phản ứng xà phòng hóa xảy ra giữa kiềm và các thành phần không tan này giúp loại bỏ chúng, để có được cellulose tinh khiết. Quá trình này cũng góp phần loại bỏ hồ trên sợi dọc , mặc dù trước đó, rũ hồ đã được thực hiện như là một bước riêng biệt.
Ngoài các tạp chất trên, sợi bông còn có màu vàng của các hợp chất màu tự nhiên. Tẩy trắng cũng là một công đoạn cần thiết sau công đoạn nấu.
Tẩy trắng là quá trình hóa học nhằm oxy hóa các hợp chất màu tự nhiên trong thành phần sợi bông, giúp cho sợi bông có độ trắng cần thiết và loại bỏ các dấu vết còn lại của các tạp chất từ bông; mức độ tẩy trắng cần thiết được xác định bởi độ trắng yêu cầu của các công đoạn nhuộm màu sau đó. Ngoài ra, độ thấm hút của xơ bông cũng được giải quyết, tạo thuận lợi cho các công đoạn sau đó. Tẩy trắng thông thường được thực hiện nhờ vai trò của các tác nhân oxy hóa, như natri hypoclorit hoặc hydro peroxide. Nếu vải được nhuộm một màu tối, tẩy trắng mức thấp là có thể, nhưng nếu yêu cầu màu trắng cao, một tác nhân tăng trắng quang học hay thuốc nhuộm trắng Optical Brightener cần thiết phải được sử dụng, gọi là quá trình tăng trắng .
Làm bóng là công đoạn xử lý giúp cho vải đạt độ bóng cao do hiệu ứng phản xạ ánh sáng của xơ cellulose. Trong dung dịch xút nguội đậm đặc, xơ cellulose trương nở hết đường kính xơ, mặt cắt ngang của xơ chuyển từ hình dẹt hoặc góc gấp thành hình dáng tròn. Kết quả sợi được tăng cường độ bóng, cường lực cũng như khả năng thấm hút thuốc nhuộm sau này. Vải được xử lý làm bóng ở trạng thái kéo căng và được rửa sạch xút sau phản ứng, độ co rút cũng được phục hồi hết ở công đoạn này, nên cũng có khi người ta gọi là quá trình kiềm co. Công đoạn làm bóng có thể thực hiện trực tiếp trên vải mộc hoặc sau khi tẩy trắng.
Quy trình công nghệ nhuộm nói chung khác nhau tùy theo bản chất của các loại thuốc nhuộm và liên kết giữa thuốc nhuộm và xơ. Các nhóm thuốc nhuộm có độ bền cao, màu sắc tươi sáng, phổ biến dùng cho cotton như: thuốc nhuộm hoạt tính, hoàn nguyên….Các thuốc nhuộm khác có độ bền thấp hơn , độ tươi màu hạn chế như thuốc nhuộm trực tiếp, lưu huỳnh ….. Mỗi loại sẽ đòi hỏi quy trình công nghệ nhuộm và các chất trợ khác nhau. Tùy theo nhu cầu sử dụng hay giá thành gia công … người ta chọn lựa quy trình tương ứng phù hợp.
In là một hình thức khác của nhuộm màu. Ở đây, màu được gia công lên vải với họa tiết được thiết kế sẵn, hay có thể gọi là nhuộm cục bộ. Có nhiều phương pháp kỹ thuật in khác nhau cũng như in bằng những thuốc nhuộm khác nhau. Cũng căn cứ trên phản ứng của thuốc nhuộm và xơ, các công nghệ in thích hợp được áp dụng. Điểm khác nhau căn bản của nhuộm và in là thuốc nhuộm được chuẩn bị ở dạng dung dịch trong quy trình nhuộm, thì trong công nghệ in, thuốc nhuộm được chuẩn bị ở dạng hồ in để định hình họa tiết theo thiết kế.
Hệ thống hoàn tất đặc biệt của Dệt Bảo Minh có gì?
Nhằm mang lại những sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi cung ứng ra thị trường, Dệt Bảo Minh đã đầu tư và xây dựng cho mình hệ thống hoàn tất với trang thiết bị và máy móc công nghệ hiện đại, như::
-
Máy Liquid Ammonia lỏng của Lafer để cung cấp kiểu hoàn tất liên quan đến ammonia lỏng như kiểu hoàn tất non-iron.
-
Máy Peaching Diamond Emery của Lafer để đem lại cảm giác mềm mịn như lông vũ cho vải.
-
Raising Machine để phục vụ cho các loại vải Flannels, Moist Cure Stenter dành riêng cho việc xử lý độ ẩm (moist cure finishing)
-
Máy Airo 24 Continuous Tumbler để xử lý độ mềm mịn
-
Máy Calender để xử lý độ bóng của bề mặt vải.
Tất cả các công đoạn hoàn tất tại Dệt Bảo Minh đều được thực hiện và kiểm soát nghiêm ngặt đảm bảo sản phẩm cuối cùng là sản phẩm tốt nhất cả về chất lượng lẫn thẩm mỹ. Bên cạnh đó quy trình sản xuất cũng luôn đáp ứng yêu cầu an toàn cho người sử dụng lẫn đáp ứng yếu tố bảo vệ môi trường, sản xuất bền vững.